RGB – yếu tố không thể thiếu cho PC cá tính
RGB là khái niệm không còn xa lạ trong cuộc sống hàng ngày, nhất là đối với người làm công việc thiết kế hoặc các game thủ. Tuy nhiên, hệ màu RGB thì chắc hẳn sẽ ít người biết và hiểu về nó. Vậy hệ màu RGB là gì? Hoạt động như thế nào? Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Hệ màu RGB là gì?
Rất đơn giản, RGB viết tắt của “Red, Green, và Blue” – đỏ, xanh lục và xanh lam. Đây gọi các màu sắc “phụ gia”, bởi sự kết hợp giữa chúng sẽ tạo ra một loạt màu sắc khác nhau. Nói cách khác, bằng cách kết hợp các cường độ khác nhau của ánh sáng đỏ, lục và xanh lam, chúng ta có được vô số gam màu sắc khác nhau rất phong phú.
RGB – yếu tố không thể thiếu của một dàn PC cá tính
RGB được trang bị phổ biến trên những sản phẩm và linh kiện máy tính cao cấp chuyên dành cho game thủ và người đam mê xây dựng PC. Rất khó để bạn tìm thấy dàn PC đẹp và được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ, mà không đi kèm với hệ thống RGB từ đơn giản đến phức tạp.
Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, sự xuất hiện của hệ màu RGB còn khiến các món đồ công nghệ trở nên hiện đại đơn. Điều này cũng khiến cho nhiều nhà sản xuất xem RGB như giải pháp tiếp thị hiệu quả cho các sản phẩm của mình. Rất nhiều sản phẩm linh kiện máy tính cao cấp và thiết bị ngoại vi đã được trang bị tính năng RGB.
Một số nhà sản xuất thậm chí còn phân chia sản phẩm của mình ra thành 2 phiên bản: Có RGB và không RGB. Tất nhiên phiên bản có RGB sẽ đắt hơn đôi chút. Đa số các mẫu máy tính chơi game cao cấp đều được trang bị chức năng này. Dưới đây là danh sách các thành phần máy tính thường cung cấp tùy chọn RGB:
- Bo mạch chủ
- Card đồ họa
- Màn hình
- Quạt và thiết bị làm mát
- Ổ cứng SSD
- Ram
- PSU
- Case máy tính
- Bàn phím
- Chuột và miếng lót chuột
- Tai nghe và loa.
Ổ cứng WD Black D50 mới nhất của hãng WD cũng được trang bị LED RGB
RGB hoạt động thế nào?
Có một đặc điểm chung giữa những thiết bị RGB là khả năng điều khiển linh hoạt bởi người dùng cuối. Các nhà sản xuất thiết bị RGB cung cấp bộ điều khiển chuyên dụng mà bạn có thể sử dụng với các thiết bị khác nhau, như quạt và bộ làm mát. Bộ điều khiển này cho phép người dùng đặt màu sắc, độ sáng, cũng như hiệu ứng cho các thiết bị được kết nối với nó.
Nhiều bo mạch chủ từ một số nhà sản xuất lớn như MSI, Asus và Asrock có 1 cổng gọi là RGB header. Người dùng kết nối thiết bị RGB hoặc bộ điều khiển với cổng này. Sau đó, bằng cách sử dụng phần mềm, bạn có thể tùy ý điều khiển những thiết bị RGB được kết nối, tạo hiệu ứng tùy chỉnh, tinh chỉnh màu sắc và đồng bộ hóa hiệu ứng ánh sáng giữa nhiều thiết bị.
Có 2 loại RGB header:
- “Addressable”: Cho phép điều khiển từng đèn LED riêng lẻ
- “Non-addressable”: Khả năng kiểm soát và tùy chỉnh hạn chế hơn.
Mỗi thiết bị sẽ tương thích với từng loại RGB header khác nhau. Hãy kiểm tra kỹ thông tin của nhà sản xuất để biết được thiết bị của mình hỗ trợ loại nào.
Ngoài ra, nhà sản xuất cũng cung cấp tùy chọn điều khiển hiệu ứng RGB trực tiếp từ thiết bị hoặc thông qua phần mềm tùy chỉnh mà bạn cần cài đặt. Chẳng hạn, các mẫu bàn phím cho phép người sử dụng từng phím cụ thể để cuộn qua một loạt hiệu ứng RGB hoặc thậm chí định cấu hình mỗi phím sẽ có màu sắc riêng. Chúng tôi khuyên bạn nên xem qua trang web của nhà sản xuất để nắm thông tin về cách thiết lập RGB cho thiết bị.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về RGB là gì cũng như cách hoạt động của RGB. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Post a Comment